Trà đạo là hoạt động uống trà đặc thù mang tính nghệ thuật, mang phong cách tình cảm riêng của người Nhật Bản, mà đặc điểm chính là pha trà và thưởng thức trà. Nghệ thuật này đã có hơn 500 năm lịch sử ở Nhật.
Người sáng lập trà đạo là một hòa thượng tên gọi Muratashu Mitsu. Ông đã tìm thấy hương vị tuyệt vời trong khi uống trà. Sau này, các đệ tử của ông đã phát huy ảnh hưởng và hình thành nên một môn nghệ thuật lưu truyền đến ngày nay.
Những người Nhật thích uống trà thường thành lập những nhóm nhỏ, chọn ngày mời nhau cùng thưởng thức. Số người tham gia mỗi lần không vượt quá 4 người và hoàn cảnh tổ chức một buổi trà đạo cũng có những quy định đặc biệt. Những gia đình khá giả thường cho xây ba căn phòng nhỏ trong vườn riêng nhà mình, hai phòng nối liền nhau, trong đó một phòng là phòng trà - nơi tổ chức trà đạo, phòng kia đặt than, bộ đồ trà và vòi nước. Phòng còn lại là nơi nghỉ ngơi của khách, phải cách hai phòng kia một khoảng nhất định. Trong vườn có những con đường nhỏ lát đá, quanh co với hai bên trồng hoa và cây cảnh làm cho không gian trong vườn yên tĩnh và thanh nhã. Bố trí trong phòng trà cũng rất được chú ý. Thông thường là treo tranh của các danh họa nổi tiếng, có hoa cắm nghệ thuật để khách mời được thưởng thức nghệ thuật mang hương sắc cổ kính.
Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 loại: trà sáng (7h sáng), sau ăn cơm (8h sáng), giữa trưa (12h trưa) và câu chuyện buổi tối (6h tối). Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Cửa ra vào có một ô cửa cao gần 3 thước để khách tháo giày đi vào. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Người chủ trì phải cạo trọc đầu để biểu thị sạch sẽ, thanh khiết. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính. Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Ví dụ: tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc. Trà để pha là loại bột trà xanh được chế biến cẩn thận bằng cách giã nát trong cối đá - người Nhật gọi là nghiền trà.
Có hai cách pha trà: pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Chủ nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc. Nhưng đôi khi còn một nghi lễ cao hơn là ăn cơm thường sau khi uống trà. Tuy gọi là cơm thường nhưng cũng thịnh soạn.
Trà đạo đã hình thành nhiều trường phái khác nhau, chủ yếu có ba trường phái lớn là: Risenka, Hyosenka và Bushakoro Senka. Mỗi nhà đều theo chế độ gia truyền - tức là con thường kế nghiệp bố làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.
Chỉ một ly trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Có người dùng 4 chữ "hòa, kính, thanh, tịnh" để khái quát tinh thần cơ bản của trà đạo. "Hòa" là hòa bình; "kính" là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; "thanh" tức là thanh tịnh, thanh khiết; còn "tịch" là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: an nhàn.
Trà đạo ngày nay càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, rất nhiều cô gái trẻ dồn tâm sức học tập trà đạo, tu nhân dưỡng tính để cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ hơn.
Sau khi uống trà người ta còn ăn bánh ngọt okashi .Khi ăn thì dùng 1 miếng giấy cứng riêng, phụ nữ thường nhét 1 miếng khăn ngay trước áo kimono để lau miệng tách trà sau khi uống, trước và sau khi uống phải cúi chào người khách ngồi kế bên. Sau khi uống xong, người ta thường xoay li trà trên tay và vừa hỏi chủ nhà những câu đại loại như là " Li trà này ông bà mua ở đâu thế ? Thật là tuyệt vời.." Đây là biểu hiện tỏ lòng kính trọng chủ tiệc trà, sau đó trả tách lại cho chủ nhà .
Cửa vào phòng trà nhỏ nên khi vào phải cúi khom người .
Người ta uống trà rất cầu kì sau khi uống thì ngồi đàm đạo.Mục đích chính của những buổi uống trà chính là để người ta có thời gian tĩnh lặng ( thiền) nên trà đạo không bao giờ biểu diễn ở chỗ đông người vì sẽ mất đi cái không khí thiền vốn có trong nghệ thuật trà đạo.